Trước chuyến đi du lịch Ấn Độ tự túc thì mình đọc khá nhiều thông tin nên biết được điều cần lưu ý nhất khi đi du lịch Ladakh là hầu hết mọi người sẽ bị triệu chứng sốc độ cao tại đây. Khi chúng ta lên độ cao cao thì không khí loãng hơn, cơ thể bị thiếu oxy nên bạn sẽ cảm thấy khó thở, đau đầu, hay nặng hơn là không muốn ăn, buồn nôn...Do đó, khi lên lịch trình du lịch Ladakh, mọi người thường đều phải ở lại Leh ít nhất là 1 ngày đầu để cho cơ thể tập thích nghi dần với độ cao của vùng núi Himalaya này. Độ cao tại Leh là 3.500 m so với mực nước biển, tính ra là khá thấp so với các điểm du lịch khác ở Ladakh như Pangong Lake cao 4.350 m hay đèo Khardung La cao 5.359 m...
Dù đã chuẩn bị tinh thần kĩ càng nhưng khi đến nơi tụi mình cũng không tránh khỏi tình trạng đau đầu, lâng lâng, và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho hành trình xa hơn đến Nubra Valley và hồ Pangong, tụi mình dành ngày đầu ở Leh không đi đâu xa mà chỉ ghé chợ Tây Tạng mua sắm và nghỉ ngơi ở khách sạn. Ngày thứ 2 tụi mình đi tham quan Shey Palace, Shanti Stupa, Thiksay Monastery, Hemis Monastery, và Leh Palace.
Chỉ cách trung tâm Leh khoảng 15 km về phía Đông, Shey Palace là địa điểm đầu tiên tụi mình ghé thăm trong chuyến đi 1 ngày dành trọn cho các cung điện và chùa ở Leh thuộc vùng Ladakh, Ấn Độ.
Shey Palace bao gồm cung điện và 1 đền thờ được xây dựng vào năm 1655 bởi vua của vùng Ladakh, Deldan Namgyal. Nhà vua sử dụng Shey Palace làm khu nghỉ dưỡng vào mùa hè.
Đường đến Shey Palace từ Leh sẽ chiêu đãi bạn bằng hình ảnh những ngọn núi trùng điệp, cát trắng, cùng những hàng cây lạ mắt. Cứ mải mê ngắm cảnh chỉ tầm 20 phút là Shey Palace đã hiện ra trước mặt rồi.
Điều đặc biệt ở Ấn Độ nói chung là các di tích và điểm tham quan vẫn giữ nét cổ, cũ, và mộc mạc vốn có, chứ không bị thương mại hóa và du lịch hóa quá nhiều.
Xe dừng chân dưới đường và tụi mình đi bộ lên. Shey Palace tọa lạc trên 1 ngọn đồi nên bạn hãy chuẩn bị tinh thần leo dốc nha, hehe.
Những chiếc bánh xe nguyện ước này chắc chắn sẽ là thứ bạn thấy rất nhiều khi đi du lịch Ấn Độ. Bạn hãy vừa xoay bánh xe theo chiều kim đồng hồ vừa cầu nguyện những điều mình muốn.
Cung điện nằm cheo leo trên vách đá.
Shey Palace nhìn toàn cảnh ngôi làng Shey, vốn là thủ đô cũ của vùng Ladakh.
Bên góc phải là phần cung điện đang được sửa chửa và xây thêm.
Đó là những tháng ngày ta phiêu diêu tự tại, bước đi thong dong ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Shey Palace gồm 5 tầng và được xây theo hình chữ L, với cách xây truyền thống là dùng các nguyên liệu gồm đá, bùn khô, cây bạch dương, và cây liễu. Mặt trước của Shey Palace được thiết kế với nhiều khung cửa sổ lớn, ban công, và cổng chính để đi vào cung điện. Đặc biệt, hình ảnh toàn bộ cung điện sẽ được phản chiếu vào chiếc hồ trước mặt cung điện.
Toàn cảnh Shey Palace, Leh.
Bước vào trong cung điện Shey.
Lại thêm 1 dàn bánh xe nguyện ước nè.
Ở đây có 1 khu cho mọi người xếp đá và cầu mong điều ước thành sự thật.
Ở Ấn Độ, các địa điểm du lịch còn khá ít khách du lịch nên bạn sẽ có nhiều thời gian ngắm nhìn cảnh vật và chiêm nghiệm.
Vào trong lại có 1 khu ngắm cảnh cực đẹp nữa đây.
Dù nắng chói nhưng cảnh đẹp vầy thì không thể không chụp 1 vài tấm hình được :D
Xa xa là núi tuyết trắng.
Tụi mình chụp được khá nhiều cảnh sống ảo ở khung cửa đá này. :)
Vào trong để tham quan đền.
Thêm 1 hình ảnh mà bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều khi đi du lịch Ladakh, chính là các tòa Bảo tháp màu trắng này. Bảo tháp thường có hình tròn, thường chứa các thánh tích liên quan đến Đức Phật hoặc các vị thánh khác và được sử dụng như là 1 nơi thiền định.
Dù mỗi Bảo tháp có thể có các chi tiết khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản thì khá giống nhau và đều biểu tượng cho Đức Phật ngồi khi ngài đạt được giác ngộ. Phần đế hình vuông đại diện cho hình ảnh Đức Phật ngồi chéo chân, phần bán cầu ở giữa là thân Phật, và chóp hình nón ở đỉnh tượng trưng cho đầu Phật. Theo quan điểm của Phật giáo Tây Tạng thì có 8 loại Bảo tháp khác nhau, mỗi loại có liên quan đến một sự kiện cụ thể trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bao gồm đản sinh, giác ngộ, chuyển Pháp luân (thể hiện lý tưởng của Phật), thị hiện thần thông, giáng hạ từ cõi thiên về cõi nhân gian, hòa giải tăng thân, cầu nguyện trường thọ, và nhập niết bàn. Trước kia, Shey Palace còn có 1 Bảo tháp giác ngộ lớn nhất vùng Ladakh nhưng sau đó Hoàng gia đã chuyển về Stok Palace vào năm 1834. Khi ghé thăm Bảo tháp, mọi người có thể đi xung quanh Bảo tháp theo chiều kim đồng hồ và đây được xem như 1 cách thiền định.
Tại đây, bạn cần mua vé để vào trong tham quan ngôi đền này nha, giá vé chỉ 30 rupee.
Ngôi đền này khá nổi tiếng với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mạ vàng khổng lồ. Tượng được xây dựng theo lệnh của vua Deldan Namgyal để tưởng niệm cha của mình là vua Sengge Namgyal.
Cảm giác chung khi đi tham quan đền chùa ở Ấn Độ là bạn sẽ rất ngạc nhiên với sự cổ, cũ, và huyền bí của các tượng Phật, tranh ảnh, bức vẽ trên tường...
Một bức vẽ trên tường rất lớn.
Bạn có thể dành khoảng 1h30 hoặc 2h để khám phá Shey Palace và chụp hình với khung cảnh thiên nhiên bồng bềnh ở đây.
Bạn có thể tham khảo lịch trình du lịch bụi Ladakh của nhóm mình như sau: Từ New Delhi bay đến Leh --> nghỉ ngơi tại Leh 1 ngày để làm quen với độ cao --> 1 ngày tham quan Shey Palace, Thiksay Monastery, Hemis Monastery, Leh Palace, và Shanti Stupa ở Leh --> từ Leh đi Nubra Valley chơi 1 ngày và ngủ lại Nubra Valley --> từ Nubra Valley đến hồ Pangong, ngủ lại hồ Pangong 1 đêm --> hôm sau về lại Leh. Tổng cộng mình dành full 5 ngày ở Ladakh.
Làm 1 tấm check-in trước khi tạm biệt Shey Palace nào!
Đọc tiếp các bài viết mới nhất chia sẻ kinh nghiệm du lịch Ấn Độ tự túc của Đi Là Để Trở Về ngay nè bạn ơi.
Follow Đi Là Để Trở Về để cập nhật các bài viết mới nhất:
Nếu bạn đang lên lịch trình du lịch Nhật Bản tự túc và muốn giải đáp thắc mắc về giao thông, điểm tham quan, khách sạn, ăn uống...thì hãy tham gia ngay vào Group Kinh Nghiệm Du Lịch Nhật Bản Tự Túc bằng cách click vào link này nha!!!
0 Comments
Leave a Reply. |
AuthorĐi Là Để Trở Về là nơi chia sẻ kinh nghiệm du lịch ở 17 nước và 87 thành phố xinh đẹp mình đã có dịp đặt chân đến. ArchivesCategories
All
|